TTCK Việt Nam và một vài sự thật

 TTCK Việt Nam và một vài sự thật


Các nhà đầu tư thường rơi vào 2 trạng thái chủ yếu là lạc quan thái quá hoặc lại quá ngại rủi ro, cả 2 trạng thái này đều dẫn tới 1 kết quả đầu tư không tốt. Để giải quyết bài toán khó này thì chỉ cần thực hiện tốt hai công việc ngắn gọn: thực tế và kỷ luật. Trước khi kiểm soát được rủi ro thì phải nhận diện được bản chất sâu bên trong các vấn đề mang tính tổng quan và bao quát. Đầu tiên phải đối diện với những sự thật ở tầng kinh tế vĩ mô, sau đó là hiện trạng của TTCK Việt Nam không bao giờ được đúng như kỳ vọng.



  1. KQKD chưa bao giờ phản ánh hết vào giá chứng khoán


Đo lương độ hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam, rất nhiều trường hợp những công ty kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng trong nhiều năm nhưng giá cổ phiếu không tăng. 


Hoặc ngược lại, những công ty không tăng trưởng thì giá cổ phiếu lại tăng kéo dài, những trường hợp này rất nhiều trên TTCK VN.


  1. Nhà đầu tư cá nhân số đông không thể hưởng lợi từ TTCK


Hầu như giá trị giao dịch hàng ngày trên các sàn trong đó được đóng góp bởi 80 –90% là các nhà đầu tư cá nhân. Nhưng nhóm nhà đầu tư cá nhân qua nhiều thế hệ lại không phải là những người nhận được giá trị từ các khoản đầu tư của mình, hầu hết giá trị tạo ra bởi những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả rơi vào tay các cổ đông lớn và các tổ chức lớn khác.


 Đơn giản là vì nhà đầu tư cá nhân không có chuyên môn, trình độ cao lại có “tốc độ đánh võng” khủng khiếp dẫn tới việc rất dễ phá vỡ kỷ luật trong đầu tư. Chính sự biến động cao này làm các ngành như chứng khoán và cả bất động sản được xếp vào hạng có hệ số rủi ro cao. 


Mọi việc còn đi xa hơn khi chính các doanh nghiệp cũng tham gia vào trong quá trình này, việc vay nợ thông qua các CTCK tương đối dễ dàng, cùng với việc “kinh doanh cổ phiếu” thì thường tạo ra giá trị nhiều cho doanh nghiệp hơn là hoạt động kinh doanh bình thường.


Như vậy, những bên tham gia vào thị trường được hưởng lợi sẽ bao gồm bên cung cấp nguồn vốn, bên cung cấp dịch vụ trung gian và những cổ đông lớn đầu tư dài hạn– sự thật này tồn tại ở khắp nơi trên thế giới.


Thực sự về việc tìm kiếm một cơ hội đầu tư vào một doanh nghiệp tốt với giá cả hợp lý vô cùng khó và hiếm hoi, để tìm doanh nghiệp thỏa vế thứ nhất tức là “tốt” thôi đã rất khó. 


Đối với một số nhà đầu tư ngại rủi ro họ đi tìm kiếm những doanh nghiệp không có vay nợ hoặc vay ít nợ để đảm bảo rằng doanh nghiệp có dòng tiền mạnh và rủi ro khi sử dụng đòn bẩy. Nhưng thực tế là nhìn đâu cũng thấy doanh nghiệp vay nợ rất nhiều và nếu tìm được doanh nghiệp vay nợ ít thì khả năng cao rơi vào trường hợp những doanh nghiệp rất nhỏ, ít thông tin để phân tích hoặc những doanh nghiệp đầu ngành với thị giá “kim cương”.



Về khía cạnh này thì cần xem xét cấu trúc nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, hiện tại cũng tới 80-90% doanh nghiệp trên sàn sử dụng nợ vay để tài trợ cho HĐKD hàng ngày, lượng vốn huy động hàng năm thông qua phát hành chứng khoán trên thị trường chỉ bằng 1/10 lượng vốn cung ứng từ Ngân hàng, thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. 


Điều này chứng tỏ TTCK Việt Nam chưa phát huy được hết vai trò là kênh huy động vốn trung – dài hạn cho các doanh nghiệp và khi doanh nghiệp không thể huy động được vốn cổ phần, hệ thống NH có tác động rất lớn tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. 


Điển hình trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thay thế vốn vay, phải huy động trái phiếu với lãi suất rất cao. Giải thích sâu xa hơn cho vấn đề này là nền kinh tế Việt Nam tuy ngày càng mở cửa, tự do thị trường nhưng chịu sự kiểm soát và định hướng của Chính phủ, với việc gián tiếp tài trợ thông qua hệ thống Ngân hàng và trực tiếp thông qua việc trợ cấp cho các nhóm ngành ưu tiên phát triển – cơ chế này tương tự như các nước trong khu vực Châu Á.


 Như vậy, khi đa phần các doanh nghiệp đều vay nợ thì việc của nhà đầu tư không phải cứ “né tránh” mãi mà cần tìm những doanh nghiệp vay nợ ở mức vừa phải hoặc ít, kiểm soát và sử dụng nợ vay tốt, nhưng không được quên rằng nợ vay tăng không phải là “chỉ báo trước”  cho việc doanh nghiệp mở rộng đầu tư sẽ thành công.

  1.  Chẳng có phương pháp đầu tư nào là “Đúng” 

Nói thêm một điều rằng, triết lý đầu tư của các nhà đầu tư giá trị huyền thoại được cho là “lỗi thời” khi áp dụng tại Việt Nam.


Trên thực tế giá cổ phiếu đi lên cùng giá trị doanh nghiệp trong dài hạn là nguyên tắc bất biến và vĩnh cửu chứ không phải một món hàng hay thời trang mà có thể lỗi thời. Điểm chính yếu là việc ngộ nhận và vận dụng sai kiến thức, sai thực tế dẫn tới sai lầm và sau này gây hiểu lầm về mặt phương pháp.


Thậm chí thị trường chứng khoán Việt Nam khá giống với thị trường Mỹ những năm 1950-1960, khi có rất nhiều công ty giao dịch dưới giá trị sổ sách. Điểm khác biệt nằm ở chỗ đường lối và chính sách phát triển kinh tế, các nhà đầu tư mong muốn tìm được những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững theo chiến lược của Warren Buffett nhưng hầu như ở Việt Nam chưa tồn tại những công ty thỏa hoàn toàn tiêu chí của ông như thương hiệu mạnh, chi phí thấp, chi phí chuyển đổi cao hay bí mật kinh doanh lớn…


Những lợi thế này đòi hỏi công ty hoạt động và tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài mới có được trong khi kinh tế chỉ vừa mở cửa chính thức vào năm 1986. Đất nước ta hiện đang là đất nước nông nghiệp trọng tâm đang phát triển công nghiệp nặng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao hầu như chưa phát triển và ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế. 


Mặc dù có thế mạnh về khí hậu, đất đai nhưng làm nông nghiệp lại rất khó có lời, mặc dù có thể nhận chuyển giao công nghệ để hỗ trợ phát triển công nghiệp nặng nhưng vẫn vấp phải sự cạnh tranh quá lớn từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á vì vậy Chính phủ vẫn phải bảo hộ nhiều ngành nghề.


  1. Niềm tin vào doanh nghiệp và thị trường rất mong manh

Đại bộ phận nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp, thị trường và rộng hơn là cả nền kinh tế. Có câu con người thường nhìn thế giới theo cách mà họ trải nghiệm và suy nghĩ, họ nhìn theo những góc nhìn hẹp và tiêu cực, nhưng thực tế chưa chắc đã là như vậy. Điều này dẫn tới số lượng nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vô cùng ít tính trên dân số. Xu thế là thứ có thể thay đổi, nhưng quá trình hoàn thiện và phát triển là điều luôn tồn tại và tất cả các quốc gia đều hướng tới. 


Sự phát triển của nền kinh tế sẽ đi kèm đó là phát triển của thị trường vốn chứ không chỉ mãi phụ thuộc vào nợ vay Ngân hàng và nhà đầu tư muốn kiếm tiền bền vững thì không còn cách nào khác ngoài việc không ngừng học hỏi từng ngày thay vì chỉ giữ mãi những cái nhìn tiêu cực.


Cuối cùng, việc không ngừng đặt câu hỏi tại sao tạo ra sự liên kết giữa các dữ kiện, số liệu giúp tìm ra được hướng đi hợp lý, cũng tương tự như bản chất của việc phân tích trong đầu tư không yêu cầu sự chính xác. 


Như một câu nói của một nhà đầu tư nổi tiếng “Tôi thành công không phải vì tôi chính xác, mà là do tôi làm đúng”.


Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi.


Theo dõi các video hướng dẫn phân tích kĩ thuật tại kênh YOUTBE của tôi TẠI ĐÂY



Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
StockVN247 là trang cung cấp thông tin thị trường, công cụ phân tích, hướng dẫn đầu tư và kết nối cộng đồng để hỗ trợ bạn tạo ra quyết định đầu tư thông minh và hiệu quả.